Lần đó (cũng ngần ấy thời gian), một buổi trưa rảnh việc tôi lang thang trên đường Đồng Khởi (quận 1) để tìm mua một chiếc đồng hồ Omega, có lẽ cũng là một cái duyên đưa đẩy, tôi rẽ vào một cửa tiệm bán đồng hồ cổ có vẻ “hoành tráng” và lựa mua chiếc đồng hồ Omega tự động đang trưng bày trong tủ kính mà tôi rất thích.
Ông chủ cửa tiệm đích thân bán cho tôi và ra giá 1.500.000 đồng, thời giá lúc đó với số tiền này tôi mua được hơn 3 chỉ vàng, nếu tôi từ bỏ được thú chơi đồng hồ cổ. Nhưng với tôi, thú chơi và sưu tầm đồng hồ cổ là một đam mê nên tôi quyết định móc hầu bao ra trả cho chủ tiệm mà không trả giá một đồng nào. Tôi quen với anh A Cao từ dạo đó và về sau, càng chơi thân tôi biết anh A Cao không chỉ là một người bạn tốt mà là một người bạn rất thú vị.
Anh A Cao đã kể cho tôi nghe về cuộc đời thăng trầm của mình. Giai đoạn sau năm 1975 anh đi mua đồng nát, vớ được những thứ như mắt kính, viết máy mạ vàng, đặc biệt là đồng hồ cổ không chỉ mạ vàng mà bằng vàng 18K từ vỏ, dây, máy, tới những cây kim. Tất nhiên giá trị của những chiếc đồng hồ xưa, sản xuất từ Thụy Sĩ như Omega, Rolex, Patek Philippe, Longine… chỉ có những người sành điệu ở Sài Gòn trước năm 1975 mới biết.
Sau năm 1975 nhiều gia đình còn giữ nhưng cần tiền, hoặc không biết giá trị nên bán rất rẻ và anh A Cao làm nên sự nghiệp từ đây. Và cái tiệm đồng hồ cổ ở đường Đồng Khởi để một người Việt, gốc Triều Châu như A Cao dựng nghiệp, cũng giống như ông Hứa Bổn Hòa, tức Chú Hỏa khởi nghiệp kinh doanh rồi làm giàu nhờ gánh ve chai đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn.
Điều thú vị ở anh A Cao không chỉ là một người buôn đồng hồ cổ mà anh còn chơi, đam mê đồng hồ cổ như một cái thú giống như tôi. Nhưng anh hơn tôi ở chỗ biết sửa chữa, phục chế đồng hồ cổ, càng cổ anh càng nghiên cứu để khắc phục những khuyết tật, chỉnh sửa nó cho hoàn hảo, đến độ anh không cần tháo chiếc đồng hồ, chỉ cầm trên tay, nhìn lướt qua, lắc nhẹ, nghe máy móc bên trong một chút là biết năm sản xuất, hư bộ phận nào.
Còn tôi thì không, cứ đực mặt ra nghe anh nói về những bệnh tật của đồng hồ từ cổ chí kim khiến tôi phục lăn. Từ đó, tôi và bạn bè có đồng hồ hư, trở chứng đều mang ra cho anh A Cao sửa, hoặc có tiền rủng rỉnh muốn “chơi” đồng hồ xịn thuộc loại “cổ lai hy” đều tìm đến anh, bởi anh mua bán thật tình, có sao nói vậy nên rất yên tâm.
Và cũng chính vì cái chất “nghệ sĩ” nên cuộc đời, sự nghiệp, ái tình của anh A Cao cũng lắm phen “lên voi xuống chó”. Lần “xuống chó” gần đây nhất là anh trắng tay phải sống nhờ bạn bè bên quận 2 nhưng vẫn nhớ tới tôi và thường gọi tôi qua uống cà phê, ăn cơm trưa ở nhà vợ chồng một đứa em kết nghĩa… rồi anh lại “dựng nghiệp” bằng cái tiệm mua bán, sửa chữa đồng hồ với thương hiệu A Cao nằm khiêm tốn ở số 326 Nguyễn Thượng Hiền phường 4 quận 3. Anh lại mời tôi tới chơi.
Tôi tới, thấy lại những gương mặt quen trong giới chơi đồng hồ cổ, có cả ông thợ kỳ cựu hồi còn làm ở tiệm của anh ngoài đường Đồng Khởi giờ lại ngồi tỉ mẩn sửa đồng hồ cho anh. Tôi mừng cho anh A Cao lại “dựng nghiệp”. Còn tôi cũng mừng, vì có chỗ lui tới cà phê tán dóc và chiêm ngưỡng những chiếc đồng hồ cổ mà giờ đây giá gấp 10 lần ngày tôi mua chiếc Omega của anh lần đầu tiên. Hóa ra cái gì cổ, càng cổ càng có giá.
Theo TỪ KẾ TƯỜNG – SGGP Online