Ông Thủy “đồng hồ” có tên đầy đủ là Trịnh Thủy. Trước buổi gặp gỡ, tôi đã nghĩ những người cao tuổi có xu hướng chơi đồ hoài cổ như ông sẽ là người trầm lặng, ít nói. Thế nhưng, người đàn ông tôi gặp lại đem tới một cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Ông 65 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, hành động nhanh nhẹn, cặp mắt sáng và gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười.
Ngay khi cánh cửa gỗ củ căn nhà ba gian được ông mở ra, trước mắt chúng tôi là những chiếc đồng hồ quả lắc đủ mọi kích cỡ xuất hiện ở mọi chỗ, từ góc tường, kệ tủ cho đến cột nhà. Đến giờ, mỗi chiếc đồng hồ vang lên một âm thanh tạo những bản nhạc thật thú vị, lúc chầm chậm lúc lại rộn ràng, như nhắc nhở người ta về giá trị thời gian trong từng tiếng tích tắc.
Nhấp ngụm trà, ông Thủy cho biết, ngay từ nhỏ ông đã rất nghịch ngợm và thích tháo lắp đồ đạc. Khi trưởng thành, ông đi học nước ngoài về nghề cơ khí. Bốn năm ròng ông học lắp ráp, sửa chữa và chế tạo máy. Khi về nước, ông trở thành thợ cơ khí của nhà máy dệt Nam Định.
|
Ông Trịnh Thủy lưu giữ thời gian bằng bộ sưu tập đồng hồ cổ. |
Thời gian trước, gia đình ông cũng có thú chơi đồng hồ nhưng ông không quan tâm nhiều. Cơ duyên dẫn ông đến với thú vui sưu tập, sửa chữa đồng hồ này là trong một lần đến nhà người quen chơi. Thấy chiếc đồng hồ hình dáng lạ để trên bàn, tính tò mò nên ông cầm lên vặn thử. Khi núm dây cót mới được ông vặn một vòng thì đột nhiên chiếc đồng hồ bật tung hết các bộ phận rồi rơi lăn lóc xuống nền nhà. Chủ nhà định vứt đi nhưng ông xin về để sửa.
Từng học cơ khí, máy móc nên những bộ phận rơi vãi rời rạc của chiếc đồng hồ kỳ lạ không làm khó được ông. Sau khoảng thời gian mày mò, tất cả các phụ tùng bên trong của chiếc đồng hồ đã được ông lắp ráp hoàn chỉnh, đâu ra đó. Và khi lên dây cót xong thì nó lại hoạt động như thường.
Dần dần, ông bị cái hay của những chiếc đồng hồ ấy “hạ gục” bởi đa phần các chi tiết của chúng đều được làm bằng tay, kết cấu đơn giản nhưng lại vận hành rất chính xác. "Chơi" đồng hồ, ông còn phục cả những người thợ đã chế tác ra chúng bởi có những bánh răng đồng hồ làm bằng gỗ, hàng trăm năm vẫn không cong vênh, mối mọt. Lại có những chi tiết bên trong chỉ nhỏ như đầu tăm rất tinh xảo khiến ông càng tìm hiểu sâu thì càng bị mê hoặc.
Năm 1992, ông về "hưu non" và từ đó bộ sưu tập đồng hồ của ông cứ ngày một dày lên. Nghe ai mách ở đâu có đồng hồ cổ là ông lại tìm đến tận nơi để xem xét và ngỏ ý muốn mua. Có lúc ông mua được, có những lúc phải nài nỉ, phải đi đi lại lại đến ba, bốn lần người ta mới chịu bán.
Đồng hồ ở nhà ông có nhiều loại trong đó chủ yếu là đồng hồ quả lắc. Có chiếc cao gấp đôi người, có chiếc nhỏ xinh treo tường, lại có những chiếc đồng hồ Đức ngoài chức năng đo đếm thời gian còn có thêm tác dụng đo áp suất và độ ẩm.
Ông bảo: “Giá trị của chiếc đồng hồ không phải ở kích thước to hay nhỏ mà nằm ở độ tuổi cũng như độ tinh xảo trong chế tác”. Đồng hồ có xuất xứ ở nhiều nước song những chiếc đồng hồ mà ông sưu tầm chủ yếu có nguồn gốc Pháp và Đức.
Ngoài việc mua những chiếc đồng hồ còn chạy “ngon”, ông Thủy còn mua lại những chiếc đồng hồ đã “ngừng thở”. Với bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của một người thợ cơ khí, nhiều chiếc đồng hồ đã được ông “đánh thức” kịp thời.
Tài sửa đồng hồ của ông cũng nhanh chóng truyền tới dân chơi đồng hồ cả nước nên thỉnh thoảng ông vẫn nhận sửa những chiếc đồng hồ vì một lỗi nào đó mà đột nhiên ngừng hoạt động. Chi phí sửa sẽ phụ thuộc vào phụ kiện thay thế.
Cái thú của ông khi sửa những chiếc đồng hồ là để tìm tòi, tự mình học hỏi thêm những kiểu thiết kế, cấu tạo của các dòng đồng hồ khác nhau. Một chiếc đồng hồ sửa xong là một lần kinh nghiệm dày lên. Nếu lần sau gặp phải những tình huống tương tự thì ông rất dễ dàng “bắt bệnh”.
Bộ sưu tập vô giá
Ông trực tiếp sửa chữa, lau chùi và trưng bày đồng hồ trong. Chúng tôi bị choáng ngợp bởi những bộ sưu tập đồng hồ ở đây, mới ngó qua song số lượng của chúng cũng có đến cả trăm chiếc. Tùy theo từng chủng loại mà người chơi có những lưu ý riêng. Có chiếc thì một tuần, một tháng phải lên dây cót một lần, lại cũng có chiếc cả một năm người chơi mới phải lên dây cót lại...
Ông Thủy cho biết: “Chơi đồng hồ tốn nhiều tiền lắm, có chiếc nhập vào giá đã chục triệu rồi trăm triệu. Nếu mình cứ giữ, không chịu bán thì sẽ rơi vào tình trạng tồn vốn”. Suy nghĩ vậy nên với những khách có nhu cầu hỏi mua, ông vẫn bán lại để có tiền đầu tư và nhập về chiếc khác.
Lúc đầu mới chơi đồng hồ, ông phải mò mẫm nhiều nơi để tìm mua, giờ đây, khi đã sưu tập và buôn bán đồng hồ có tiếng, ông đã có hẳn những đầu mối riêng để nhập hàng. Mỗi khi có chuyến hàng, người ta sẽ gọi điện thông báo. Nếu ông ưng ý thì sẽ chuyển hàng về. “Đồng hồ ở nước ngoài đem về thì sẽ tính theo cân, nếu đi đường biển thì rẻ hơn nhưng không đảm bảo như đi đường hàng không. Có đợt người ta chuyển cho mình cả thùng hàng về”, ông chia sẻ.
"Tiếng lành đồn xa”, uy tín của ông Thủy bay đi khắp nẻo đường đất nước. Giới chơi đồng hồ tự mách nhau nên khách của ông mỗi ngày một đông. Có người tới nhờ ông sửa đồng hồ, có người tới mua đồng hồ làm quà tặng, làm bộ sưu tập, lại cũng có người chỉ tới để trao đổi, đàm đạo về đồng hồ cho thỏa thú vui và sự đam mê.
Đa phần khách tới mua đồng hồ là người Việt Nam. Qua trò chuyện, hầu hết họ đều sinh ra trong những gia đình có điều kiện kinh tế, gia đình cũng từng chơi đồng hồ hoặc sở hữu đồng hồ cổ nhưng vì một lý do gì đó (mua đi bán lại, thất lạc do chiến tranh…) nên họ đi nhiều nơi để tìm mua lại. Và vì thế nên họ vẫn nhớ phong cách chơi đồng hồ của những người cổ...
|
Những chiếc đồng hồ trong bộ sưu tập của ông Thủy. |
Nhiều người gọi vui ông là “vua đồng hồ”. Thế nhưng, ông nói rằng biệt danh này chưa chính xác lắm. Ông bảo, nếu muốn tìm mua những chiếc đồng hồ cực “độc” thì phải vào tận TP.HCM, trong đó có một ông khác “ngầu” hơn ông nhiều. Bởi ông này có hẳn bộ sưu tập đồng hộ độc, mỗi cái rơi vào mấy trăm triệu chứ như ông, gia tài đồng hồ là vậy song chiếc đắt nhất cũng chỉ chừng 200 – 300 triệu.
Ông chia sẻ: “Đồng hồ của tôi chủ yếu làm từ đồng đen, đồng xanh và sứ, còn những chiếc cực “độc” thì tôi không có nhiều, căn bản là nó ít mà kết cấu thì vô cùng độc đáo bởi có chiếc được trám vàng hoặc gắn theo đá quý”.
Thú vui của ông giờ đây ngoài việc sửa chữa, ngắm nhìn và tân trang lại những chiếc đồng hồ là thỉnh thoảng xem lại những bộ phim hoặc những chương trình truyền hình, nơi mà những chiếc đồng hồ đẹp như mơ vẫn xuất hiện. Trong đó, những chiếc đồng hồ mà ông nhớ nhất là trong một bộ phim tài liệu nói về người chuyên làm công việc lên dây cót đồng hồ tại Nhà Trắng (Mỹ) và đoạn phóng sự về Tổng thống Putin (Nga) khi nhậm chức ở Cung điện Mùa Đông...
Theo Pháp Luật Việt Nam